Từ một loại hình sân khấu truyền thống ở vùng đất Nam Bộ, trải qua hơn 100 năm tồn tại với đầy những cung bậc thăng trầm, văn hóa hát cải lương cho đến nay đã trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam.
Nghệ thuật văn hóa hát cải lương, "đó là nghệ thuật của sự cách tân, cải cách". Con người Việt Nam với óc sáng tạo không ngừng nghỉ đã ghi nhận, học hỏi các tinh túy của các bộ môn nghệ thuật: Kiến trúc và trang trí, Hội họa, Điêu khắc, Âm nhạc, Văn học, Sân khấu, Điện ảnh để ra đời những sản phẩm có giá trị phù hợp với tính cách, đời sống, xã hội của dân tộc.
Nằm chung trong dòng chảy đó, một bộ môn nghệ thuật mới được ra đời, mang tên Cải lương. Theo phần đông giới nghiên cứu học thuật và nghệ sĩ, văn hóa hát Cải lương là bộ môn nghệ thuật ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cải lương là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Giữa loại hình nghệ thuật truyền thống vốn phổ quát ở miệt vườn Nam Bộ là đờn ca tài tử và nghệ thuật sân khấu kịch thoại của Pháp.
Quá trình giao lưu văn hóa này đã hòa quyện một cách sâu đậm vào dòng văn hóa Nam Bộ. Đến mức khi khán giả xem một vở cải lương thì không còn phân biệt đâu là sự ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp. Ở Nam Bộ, cải lương thật sự đã trở thành một loại hình nghệ thuật hấp dẫn với nội dung cốt truyện và lối diễn xuất của nghệ sỹ phù hợp tâm tư, nguyện vọng, lối sống phóng khoáng của người dân phương Nam.
Tính trữ tình của nghệ thuật cải lương thể hiện qua nội dung tác phẩm. Là những câu chuyện cổ có nội dung xã hội, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Dù thể hiện theo hướng đề tài nào, sân khấu cải lương thường nói về số phận một con người. Kết có hậu là đặc điểm sân khấu cải lương và sân khấu phương Đông, cũng là nét thẩm mỹ tích cực của sân khấu truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh đó, hài là đặc tính chung của sân khấu truyền thống Việt Nam, nhưng sân khấu cải lương có nét hài khác lạ. Nếu cái bi của cải lương tập trung khai thác diễn xuất diễn viên, tình tiết trong kịch, âm nhạc và lời ca; thì tính hài lại tập trung vào diễn xuất của diễn viên, chủ yếu ở ngoại hình và ngôn ngữ. Cái hài trong cải lương là sự điểm xuyết vào một chuỗi bi lụy kéo dài, diễn tả tình cảm của nhân vật.
Văn hóa hát cải lương là một bộ môn nghệ thuật giàu tính truyền thống; mang nhiều nét đặc sắc của văn hóa dân tộc ta; hội tụ trong đó nhiều yếu tố nghệ thuật mang giá trị nhân sinh cao.
Cải lương đúng như tên gọi của nó, tức là giúp người thưởng thức loại hình nghệ thuật này cảm nhận được những điều tốt đẹp, thậm chí là chông gai, trắc trở của cuộc sống từ đó cải cách để tiến đến những giá trị hoàn hảo, sống có đạo đức, thiện lương với xã hội, trong mối quan hệ người với người…
Người nghệ sĩ cải lương là những người đem tâm và tài của mình ra hết lòng biểu diễn cho khán giả xem, qua các vở diễn thể hiện những triết lí nhân sinh quan gắn liền ngàn đời với dân tộc. Nhưng đứng trước sự hội nhập của quá nhiều loại hình nghệ thuật từ các nước bạn xuất hiện gây thu hút giới trẻ, những vấn đề của biến đổi thời đại… đã làm bộ môn nghệ truyền thống cải lương đang dần thoái trào.
Để cải lương phát triển, trở lại thời kì huy hoàng của những thập niên trước, tránh bị mai một nhiều ý kiến về giải pháp đã được đưa ra. Từ việc đưa cải lương vào game show, cho đến xây dựng nhà hát riêng cho cải lương…
Nhấn mạnh sức lan tỏa của nghệ thuật cải lương không chỉ ở vùng đất Nam Bộ, nhiều nghệ sĩ ưu tú cho rằng: tuy khởi nguồn từ vùng đất phương Nam; mang hồn cách đặc sắc riêng của miền đất phù sa hiền hòa; từ giọng ca đầy sức truyền cảm cho đến âm điệu luyến láy ngọt ngào, song sân khấu cải lương không chỉ được công chúng phía Nam mến mộ mà còn có sức lan tỏa khắp cả nước. Hy vọng rằng các thông tin trên đã giúp bạn thêm hiểu và tự hào về văn hóa hát cải lương Việt Nam ta.
#cailuong #cailuongmiennam #vanhoahatcailuongvietnam #nghethuatcailuong #nghethuatnambo #vanhoatruyenthongvietnam