Tin tức

Hát Chèo – Nét văn hóa truyền thống Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc

Hát Chèo – Nét văn hóa truyền thống Việt Nam, đậm đà bản sắc dân tộc

21/10/2023

Từ rất lâu nghệ thuật văn hóa hát Chèo đã đi vào lịch sử Việt Nam như một nét tiêu biểu của nền văn hoá truyền thống Việt Nam. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác như cải lương, tuồng, kịch,... Chèo được mệnh danh là bộ môn thuần Việt nhất. Cùng tìm hiểu văn hóa hát Chèo Việt Nam qua bài viết sau bạn nhé!

Hát Chèo – Nét văn hóa truyền thống Việt Nam

Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc, đặc biệt là đồng bằng sông Hồng và lan tỏa đến khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Du Miền Núi Bắc Bộ.

Văn hóa hát Chèo - Loại hình nghệ thuật cổ truyền Việt Nam

Là một hình thức sân khấu tổng hợp, ở văn hóa hát Chèo giá trị của lời ca được kết hợp hài hoà với tính chất của các làn điệu. Đặc biệt là sự kết hợp với diễn xuất, nghệ thuật hát và sự du dương; chuẩn mực của hệ thống nhạc đệm, đã làm cho cái hay, cái đẹp rất riêng của nghệ thuật chèo còn lưu truyền cho đến ngày nay.

Đặc điểm của nghệ thuật văn hóa hát Chèo

Ở Chèo các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rất nhiều điểm đặc trưng độc đáo. Trong đó, nổi bật như:

  • Thể loại kịch hát dân gian dân tộc mang tính nguyên hợp

  • Mô hình hóa (hình tượng của nhân vật)

  • Chèo là sân khấu của hiện thực đời sống tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

  • Sân khấu Chèo hướng tới trình thức hóa

  • Chèo là hình thức nghệ thuật sân khấu luôn kết hợp hài hòa giữa (yếu tố) bi và hài.

  • Nghệ thuật sân khấu đồng cảm: đó là sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn, điêu luyện và hài hòa giữa gián cách và hòa cảm, giữa khách quan và chủ quan, giữa thực và hư trong quá trình thể hiện đời sống nhân vật trên sân khấu. 

  • Khán giả đồng sáng tạo với nghệ sĩ trên sân khấu, nhờ vào mối quan hệ giao lưu khơi gợi, kích động sáng tạo của nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo và trình diễn.

Văn hóa hát Chèo Việt Nam - hình thức nghệ thuật sân khấu kết hợp hài hòa giữa bi và hài

Văn hóa hát Chèo Việt Nam - hình thức nghệ thuật sân khấu kết hợp hài hòa giữa bi và hài

Chèo truyền thống đến chèo hiện đại

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, Chèo được khởi nguồn từ kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) vào thế kỉ 10. Và người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca nổi tiếng trong hoàng cung nhà Đinh.

Từ kinh đô Hoa Lư, nghệ thuật Chèo được phát triển rộng khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mạnh nhất là ở một số địa phương Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội... rồi lan dần sang cả khu vực miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Mặc dù Ninh Bình được mệnh danh là đất tổ của nghệ thuật Chèo nhưng làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mới là nơi có phong trào biểu diễn Chèo truyền thống mạnh nhất. Hiện còn lưu giữ được nhiều làn điệu Chèo độc đáo.

Làng Khuốc là một trong bảy vùng Chèo nổi tiếng đất Bắc từ thế kỉ 19. Xưa, Chèo làng Khuốc từng được biểu diễn trong cung vua và được các nghệ nhân mang đi biểu diễn ở nhiều vùng miền. 

Các yếu tố cấu nên tác phẩm Chèo hoàn hảo

Để có một tác phẩm hát Chèo hoàn hảo đó là sự kết hợp hòa quyện của nhiều yếu tố:

  • Kịch bản văn học

  • Diễn xuất

  • Mỹ thuật

  • Đạo diễn

  • Múa

Diến xuất cấu thành nên tác phẩm Chèo

Diễn xuất cấu thành nên tác phẩm Chèo

Nỗ lực để văn hóa hát Chèo trở thành di sản thế giới

Ra đời từ thế kỉ 10, Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo và giữ vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Việt. Với những giá trị nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật Chèo đang được Việt Nam nghiên cứu xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Theo dòng chảy thời gian, trước tác động của nền văn hóa hội nhập, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Chèo truyền thống rất cần được trao truyền, giữ gìn. Hiện nay, ngoài việc các nhà hát Chèo vẫn thắp sáng sân khấu hàng tuần để nỗ lực đưa nghệ thuật Chèo đến với khán giả nhiều hơn thì công tác đào tạo đạo diễn, diễn viên Chèo cũng đang được chú trọng quan tâm.

Những vở Chèo, trích đoạn, giai điệu Chèo tiêu biểu

Một số vở Chèo tiêu biểu: Bài ca giữ nước, Chu Mãi Thần, Đồng tiền Vạn Lịch, Hoàng Trìu kén vợ, Kim Nham, Lưu Bình Dương Lễ, Nghêu sò ốc hến, Quan Âm Thị Kính, Tuần Ty Đào Huế, Từ Thức gặp tiên, Trần Tử Lệ, Trương Viên.

Một số trích đoạn tiêu biểu: Thị Mầu lên chùa & Xã trưởng - Mẹ Đốp (vở Quan Âm Thị Kính), Súy Vân giả dại (vở Kim Nham), Đánh ghen (vở Tuần ty Đào Huế), ... Chính vở Tuần ty Đào Huế được trích và phát triển từ vở Chu Mãi Thần mà ra.

Một số giai điệu Chèo cổ: Quân tử dịch, Sử bằng, Đò đưa, Tò vò, Nhịp đuổi, Du xuân, Đào liễu, Ngâm bốn mùa, Đường trường trong rừng, Tuyết sương, Quá giang... Đúng như Nghệ sĩ Ưu tú Minh Thu - một trong những nghệ sĩ chèo nổi tiếng hiện nay nói rằng, chèo phải nghe, phải xem trực tiếp mới cảm nhận hết cái hay của nó. Những vở chèo cổ đầy ám ảnh, làm nức lòng biết bao khán giả nhiều thời, đó là: Đồng tiền Vạn Lịch, Lưu Bình Dương Lễ, Nghêu Sò Ốc Hến, Quan Âm Thị Kính, Từ Thức gặp tiên... thì đến nay vẫn được yêu thích.

Lời kết

Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là Chèo. Hy vọng rằng, bài viết này đem đến cho các bạn những thông tin thú vị về văn hóa hát Chèo Việt Nam nhé!

#vanhoatruyenthong #vanhoahatcheo #nghethuathatcheo #cheo #hatcheo #nghethuattruyenthong #disanvanhoa #disanvanhoaphivatthe